Sẽ có khoảng 1.500-2.000 ô tô nhập khẩu không chính hãng được “tháo rào” đưa về thị trường trong nước.
Bộ Công Thương vừa có công văn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô không có giấy ủy quyền. Theo đó, đối với các hợp đồng nhập khẩu ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống, chưa qua sử dụng, đã đăng ký trước ngày ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT (12-5-2011) và có chứng từ kinh doanh trước thời điểm này, DN được làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan theo quy định.

Gia hạn 1 năm

Thông tư 20 yêu cầu DN nhập khẩu ô tô 9 chỗ trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành phải nộp bổ sung giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng. Do đó, tại thời điểm Thông tư 20 có hiệu lực, vẫn còn nhiều lô hàng của DN nhập khẩu không chính hãng đã thanh toán tiền với đối tác nước ngoài nhưng không kịp đưa hàng về và bị đối tác nước ngoài từ chối hoàn trả.

Sẽ có khoảng
1.500-2.000 ô tô nhập khẩu không chính hãng được đưa về thị trường trong nước
Sẽ có khoảng 1.500-2.000 ô tô nhập khẩu không chính hãng được đưa về thị trường trong nước
Theo ước tính của Bộ Công Thương, số lượng xe chưa kịp nhập khẩu dù đã ký hợp đồng và đóng tiền cho đối tác vẫn còn khoảng 1.500-2.000 chiếc. Bởi vậy, văn bản 4582 của Bộ Công Thương có mục đích tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN nhập khẩu xe hơi mà không có giấy ủy quyền.

Tuy nhiên, DN nhập khẩu xe hơi phải bảo đảm các lô hàng về đến cảng Việt Nam chậm nhất là ngày 28-5-2015. Đồng thời, tổng giá trị lô hàng nhập khẩu không được vượt quá số tiền còn lại DN đã thanh toán với đối tác và được ngân hàng thương mại xác nhận. DN được gia hạn hợp đồng và ký phụ lục điều chỉnh các thông số như năm sản xuất, đời xe… nhưng không được chuyển chủng loại, dòng xe nhập khẩu - trừ trường hợp chủng loại, dòng xe nêu trong hợp đồng không còn được hãng sản xuất.

Kẻ mừng, người lo

Bà Trần Thị Thanh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lâm, cho biết vẫn còn 51 xe dòng Lexus chưa đưa được về nước, tương đương hơn 1 triệu USD tiền đơn hàng. Theo bà Hoa, riêng xe Lexus tại thị trường miền Bắc không hề lo ngại cạnh tranh với xe chính hãng bởi hiện nay chỉ có 1 showroom chính hãng tại TP HCM.

Đại diện một công ty nhập khẩu ô tô tại Hải Phòng cho biết DN bị tồn đọng đến 10 triệu USD nhập khẩu xe của các thương hiệu như Honda, Nissan. Tuy rất sốt ruột được tháo gỡ khó khăn đưa xe về nước nhưng vị đại diện này lại tỏ ra e ngại bởi nhiều mẫu tại thời điểm ký hợp đồng được đánh giá là xe sang, hàng độc, có thể bán với giá cao nhưng đến nay lại được nhiều DN liên doanh cung cấp. “Như vậy, cạnh tranh để bán hàng là rất khó bởi xe nhập khẩu có thuế rất cao” - vị này nói.

Trong thống kê của cơ quan quản lý, danh sách các DN được “tháo rào” lần này còn khá nhiều, như Công ty TNHH Bảo Tín Sơn Tùng, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Logistic Đông Dương, Công ty TNHH Thương mại Thái Hoàng… với các dòng xe đều đã được phân phối chính hãng trong nước như Lexus, BMW, Audi, Poscher… Nếu 2.000 chiếc được ồ ạt đưa về nước, các DN nhập khẩu xe sang chính hãng và không chính hãng sẽ rơi vào tình thế cạnh tranh gay gắt bởi thực tế, thị phần xe sang tại Việt Nam mới chỉ quanh quẩn trong khoảng 5.000 chiếc/năm.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, đại diện Phòng Kinh doanh Salon ô tô nhập khẩu chính hãng Toyota tại Hà Nội, cho rằng xe nhập khẩu không chính hãng chỉ có ưu thế về chủng loại “độc”, được lòng khách hạng sang nhưng nếu bị ách lại 3-4 năm thì không còn là dòng mới có sức hút mạnh nữa. Do đó, cơ quan quản lý cần có biện pháp siết kiểm soát hoạt động đưa xe về nước để tránh kẽ hở giúp DN lợi dụng đổi dòng xe hoặc khai báo không đúng.

Tin tức & Sự kiện khác