Nhờ những ưu việt về mặt trọng lượng, kiểu dáng và độ bền cơ học và tính năng vận hành, mâm hợp kim hay còn gọi là mâm đúc được đa số người tiêu dùng ưa chuộng và đôi khi, còn được chủ xe coi như một vật trang trí thể hiện cá tính của mình trong việc nâng cấp xe. Những bộ mâm đẹp nhất thường xuất hiện trên những phiên bản xe thể thao.

Với một lịch sử không dài, mâm đúc hợp kim mới chỉ bắt đầu xuất hiện phổ biến trên xe dân dụng từ năm 1980. Trên thực tế, nó đã được nghiên cứu chế tạo với số lượng hạn chế từ năm 1924.

Trước khi mâm xe hợp kim ra đời, mâm xe dân dụng thường được làm bằng thép, hình thành từ hai miếng thép ép, bao gồm vành và đĩa, được hàn hoặc tán thành một đơn vị duy nhất. Trong giai đọn Thế chiến thứ 2, một số nhà sản xuất tại Mỹ đã cải tiến thành kiểu mâm có vành bằng nhôm hoặc thép, kết nối với trục bánh xe bằng nan hoa kim loại. Một thiết kế chuyển tiếp xuất hiện sau đó đã sử dụng một đĩa thép nhằm giữ độ cứng vững và một vành nhôm để tiết giảm trọng lượng. Thiết kế này được sử dụng trên xe Porsche và Jaguar trong những năm 1950. Ngoài ra, thiết kế mâm sử dụng lưỡng kim tương tự cũng được được sử dụng trên một số mẫu xe thể thao Ý.

Ngoài việc mâm đúc bằng hợp kim giúp giảm trọng lượng của bánh xe và có độ cứng lớn hơn bánh xe bằng thép dập, nó còn cho phép các nhà thiết kế tự do sáng tạo gần như không giới hạn về kiểu dáng.

Năm 1924, Bugatti Type 35 ra mắt thị trường với sự xuất hiện lần đầu tiên của các bánh xe nhôm đúc của nhà thiết kế Ettore Arco Isidoro Bugatti. Các bánh xe được kết hợp với một trống phanh đúc liền, ngoài tác dụng giảm đáng kể trọng lượng so với một bánh xe thông thường và trống phanh riêng biệt, bánh xe của Bugatti còn có tác dụng như một bộ phận tản nhiệt lớn nhằm giúp cải thiện khả năng làm mát cho hệ thống phanh.

Sau Thế chiến II, Panhard phát triển kiểu mâm nhôm kết hợp phanh tang trống có các gân tản nhiệt xếp hướng tâm được bắt vào vành thép bằng 5 chiếc ốc lớn.

Năm 1955, Cadillac giới thiệu mâm nhôm Saber-Spoke (được sản xuất bởi Kelsey Hayes) trên các sản phẩm xe hơi sang trọng của họ. Phần trục và nan nhôm cách điệu được gắn chặt với một vành thép. Bánh xe đa vây này thường được mạ chrome sáng bóng, một số phiên bản được mạ vàng.

Năm 1961, Pontiac giới thiệu bộ mâm nhôm tích hợp trống bánh xe/phanh. Vành thép riêng biệt được gắn với các nan vây bằng 8 hạt tròn mạ chrome. Đây là một trong những bộ mâm thuộc hàng hiếm và được các nhà sưu tầm sẵn sàng trả giá rất cao.

Vào năm 1962, nhà thiết kế người Ý Carlo Abarth cho ra mắt các mâm xe bằng magiê được sản xuất bởi hãng Campagnolo trên hầu hết các phiên bản xe hơi Abarth của mình.

 

Năm 1964, Ferrari bắt đầu cung cấp mâm hợp kim magiê Cromodora Starburst cho các phiên bản đường phố trên chiếc 275 GTB thay thế cho bánh xe Borrani cổ điển.


Chevrolet Corvette Sting Ray 1964
Vào năm 1964, Corvette trình làng bộ mâm nhôm với chiếc khóa trụ bánh của Kelsey Hayes. Bánh xe hợp kim nhẹ thiết kế kiểu vây này là mẫu đầu tiên và cũng là duy nhất trên các sản phẩm của Corvette cho tới tận năm 1976.


Alfa Giulia Sprint GTA Stradale
Năm 1965 chứng kiến sự ra mắt của Alfa Romeo GTA, một phiên bản hiệu suất cao của Giulia Sprint được chế tạo với một số bộ phận siêu nhẹ, trong đó có một bộ mâm hợp kim của Campagnolo.


Lamborghini Miura
Khi Lamborghini lần đầu tiên trưng bày các phiên bản Muira với bộ khung bodyless tại “Salone dell'automobile di Torino 1965”, nó được trang bị bánh xe Borrani để phù hợp với truyền thống của Lamborghini. Nhưng sau đó, khi chiếc xe được trưng bày tại “Salon de Genève 1966”, nó đã được thay bằng bộ bánh bằng magiê của Campagnolo.


1966 AC Cobra 427
Bánh xe magiê Halibrand đã trở thành huyền thoại trong lịch sử các trường đua tại Mỹ, lần đầu xuất hiện trên Ford GT40, sau đó nó cũng được lắp vào xe của Carroll Shelby. Bánh xe Halibrand màu vàng đồng đặc biệt được xuất hiện rất nhiều trên các xe Ferrari F-1 và các xe đua thể thao trong những năm 1960 đến 1970.


Fiat Dino Coupé
Fiat Dino, ra mắt vào năm 1966, được trang bị bộ mâm được đăng ký độc quyền với kiểu sáu chấu Cromodora, bánh xe bằng hợp kim với mũ trung tâm mạ crôm. Hãng Fiat sau đó đã cung cấp một phiên bản năm chấu tương tự như trên 124 Coupé và Spider.


1967 Porsche 911
Porsche giới thiệu bánh xe hợp kim lần đầu tiên trên xe hơi của mình vào năm 1966 và trở thành trang bị tiêu chuẩn trên mọi chiếc 911 mới. Mâm xe bằng nhôm đúc này được sản xuất bởi Fuchs.


NSU Ro 80
Năm 1967, Fuchs cũng cung cấp một bộ mâm tương tự như trên xe 911cho chiếc NSU Ro 80 động cơ xoay.


Maserati Ghibli
Cùng năm đó, Maserati cung cấp mâm bằng nhôm hợp kim đầu tiên của họ trên sản phẩm Ghibli mới.


Aston Martin DBS V8
Aston Martin giới thiệu bánh xe hợp kim đầu tiên của họ trên DBS V8 mới trong năm 1969.


Mercedes-Benz 300 SEL
Mercedes tham gia vào cuộc chơi vào năm 1970 với bộ bánh xe nhôm đúc của Fuchs có tên là Baroque hoặc Bundt Cake. Kiểu thiết kế này vẫn tiếp tục tồn tại trong hơn một thập kỷ sau đó.


1970 Ford Capri 2600 GT
Bánh xe Minilite có lẽ là loại mâm hợp kim phổ biến nhất trên thế giới, cả trong trường đua lẫn trên đường phố trong nhiều thập kỷ.


1975 Volkswagen Scirocco
Tất cả các bánh xe hợp kim được Volkswagen trang bị rộng rãi tới tay người tiêu dùng là loại mâm nhôm đúc 12 chấu, 5 x 13", phiên bản được cung cấp như là thiết bị tùy chọn trên VW Golf, Scirocco, Passat và Audi 80 bắt đầu từ năm 1974.


Citroën SM
Citroën SM (1970-1973) xuất hiện với bộ bánh xe ứng dụng công nghệ mới - thép gia cố nhựa composite (RESINE Renforcée), được phát triển với Michelin. Một chiếc SM được lái bởi Jean Deschaseaux và Jean Plassard chiến thắng trên Rally đầy khốc liệt tại Ma-rốc trên những bánh xe bằng composite nhẹ trong năm 1971.

Ngay từ khi xuất hiện, bánh xe hợp kim ngay lập tức được ưa thích và trở thành biểu tượng độc quyền trên các thiết kế xe của hãng. Như mẫu bánh xe Mercedes Bundt Cake có tuổi đời kéo dài từ năm 1970 tới tận năm 1985 và bánh xe Porsche Fuchs nhôm đúc đã trở thành dấu hiệu riêng của xe 911 từ năm 1966 đến 1989.

Theo autouniversum

Tin tức & Sự kiện khác