Về các phương tiện và hành vi tham gia giao thông trên các cung đường ở Việt Nam:

1/ Xe tải: 100% chở quá tải, chạy ì ạch, tốc độ thường thấp hơn tốc độ quy định rất nhiều. Từ đó gây cản trở giao thông, hay bị thủng vỏ, gãy trục… nằm bên vệ đường và cảnh báo sơ sài, đương nhiên sẽ khiến các phương tiện đâm vào gây tai nạn thảm khốc - nhất là tại các cung đường vòng, trên đèo, khi trời tối.

2/ Xe khách: 100% phóng bạt mạng, lấn hẳn sang trái đường, luôn đi quá tốc độ quy định. Đây là nguyên nhân chính gây tai nạn thảm khốc khi đâm đấu đầu vào xe khách, xe tải, xe thô sơ ngược chiều.

3/ Xe con (thường là xe gia đình): có nhiều xe phóng rất nhanh (tuy không bạt mạng), vượt quá tốc độ quy định, bám sát đuôi xe trước chỉ khoảng 5-10m ở tốc độ trên 80km/h, vượt lấn làn ngược chiều trong những cự ly vô cùng không an toàn. Đây là nguyên nhân gián tiếp gây nên TNGT thảm khốc cho cả gia đình (rất nhiều vụ trên báo).


Hậu quả của việc phóng nhanh - Ảnh: Nguyễn Thành Phong.

4/ Xe máy: 100% đi giữa tim đường, luôn chạy ở vận tốc rất cao (trên 70km/h), là nguyên nhân gián tiếp gây nên TNGT và gây ức chế dẫn đến TNGT.

5/ Xe đạp: 100% đi hình số 8 trên mọi vị trí trên đường, là nguyên nhân gián tiếp gây nên TNGT và gây ức chế dẫn đến TNGT.

6/ Người đi bộ: 100% đi bộ lững thững qua đường có vận tốc 80km/h, cũng là nguyên nhân gián tiếp gây nên TNGT và gây ức chế dẫn đến TNGT.

7/ Súc vật (gia súc, gia cầm, vật nuôi): 100% không có người trông nom, đi lại lung tung trên đường có vận tốc 80km/h, là nguyên nhân gián tiếp gây nên TNGT và gây ức chế dẫn đến TNGT.

8/ Xe con biển màu xanh và đỏ: 100% chạy theo bất kỳ ý thích của lái xe. Đây là nguyên nhân trực tiếp lẫn gián tiếp gây nên TNGT và gây ức chế dẫn đến TNGT.

Về cách tránh nguy cơ gây chết người trên đường bộ:

Sau 3.000 km về đến nhà an toàn, em mới thở phào nhẹ nhõm, ngồi đúc rút kinh nghiệm và muốn chia sẻ với các bác, mong rằng chúng ta ngày càng an toàn trên những nẻo đường kinh khoàng chữ S. Các bác em muốn chia sẻ tới đây chính là cộng đồng lái xe (chở gia đình mình) đi lại khám phá trên những cung đường Việt nam – tức là mục số 3 ở trên.

- Trường hợp dễ dẫn đến tại nạn đấu đầu nhiều nhất: Vượt đúng luật. Do đa số đường quốc lộ ở Việt Nam chỉ có 1 làn mỗi chiều nên khi vượt xe cùng chiều, chỉ có thể vượt trái (đúng luật). Theo quan sát của em, nhiều bác thực hiện vượt khi ngược chiều có xe ở khoảng cách rất gần. Kết quả là các bác vượt xong lánh sang phải về làn của mình gần như ngay đồng thời khi xe ngược chiều đi đến.

Mong các bác bình tâm để chỉ thực hiện vượt khi đường thẳng (em gặp rất nhiều bác vượt tại các cung đường cong, tầm nhìn chỉ vài trăm mét) và thực sự đủ khoảng cách với xe ngược chiều từ 1,3km trở lên (là khoảng cách xe vượt qua trong vòng 1 phút tại vận tốc 80 km/h). Nếu duy trì được khoảng cách vượt này thì 100% chúng ta sẽ không bao giờ đâm vào xe ngược chiều (bao gồm cả xe lớn và xe 2 bánh, xe thô sơ, người đi bộ).

- Trường hợp dễ dẫn đến tai nạn nhiều thứ hai: Xe khách lấn làn chạy nhanh đâm vào mình. Trong 3. 000km vừa qua, em gặp những xe khách như thế này rất nhiều, đặc biệt trên QL 1A. 100% trường hợp này em nhường đường từ xa. Một số chỗ quá hẹp, em gần như giảm tốc về 50km/h, chuyển xuống số thấp, thậm chí sẵn sàng lao xe xuống ruộng phía bên phải để bảo toàn mạng sống cho cả gia đình. Khi ta chủ động đâm xuống ruộng (nếu có thể) thì sẽ không gây thương vong như bị động hoặc bị tông xuống ruộng - các bác luôn quán triệt việc đeo đai an toàn đối với mọi vị trí trên xe nhé.


Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Cúc Phương, Ninh Bình - Ảnh: internet.

Một giải pháp nữa là em chuyển sang đi đường HCM ngay khi có thể. Hiện nay, từ Nghệ An (Tân Lỳ), Hà Tĩnh (TL3, QL15, QL8A), Quảng Bình (TL4B), Quảng trị (Cam Lộ) đều có đường lên đường HCM đã làm xong rất tốt. Đoạn từ Quảng trị vô tiếp phía Nam (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) thì đi đường HCM Tây (từ Cam Lộ) trong mùa khô này là OK, mùa mưa nên tránh đi vì đường hay sụt lở. Một số bác cứ khăng khăng đi HCM xa, tốn xăng v.v… nhưng em thấy đi nhàn đầu vì lượng giao thông ít. chỉ khoảng 1/20 so với QL 1A. Rõ ràng giảm tỷ lệ TNGT xuống 20 lần cho cả gia đình mình thì các bác lại không muốn?

Một chia sẻ nữa là về thời gian chạy trên đường. Ngoại trừ các bác có việc gấp của gia đình, còn không đi du lịch em khuyến nghị chỉ đi ban ngày, tránh ngủ gật giết cả nhà như vụ Caren ở Quảng Bình hôm mùng 7 Tết vừa qua. Khi đi xa, em hay mang theo đồ ăn nguội theo xe, và em tranh thủ chạy vào lúc mà xe khách và xe tải nghỉ ăn trưa (11:00 – 14:00), thời gian sẽ tăng lên vì lúc đó đi được nhanh hơn do xe khách và xe tải trên đường vắng hẳn. Ngoài ra em căn lý trình, cung đường sao cho đến điểm dừng chân trước 6h tối. Từ giờ này trở đi theo thống kê là hay xảy ra tai nạn nhất vì tầm nhìn kém, thêm nữa là sau 1 ngày chạy nói chung các bác tài đều mệt rồi.

Còn một điều nữa là em tuyệt đối không bia rượu lúc lái.

Một số kinh nghiệm bản thân chia sẻ với các bác. Mong các bác tham gia thêm để em còn học hỏi, sao cho mọi gia đình đều an toàn trong những chuyến du lịch bằng 4 bánh. Và mong rằng TNGT ở nước ta ngày càng giảm.

Trên đây là chia sẻ của thành viên Bóng Chày, diễn đàn OtoFun

Tin tức & Sự kiện khác