Nhiều hãng xe có mặt tại Việt Nam đã chọn cách nhập khẩu từ Đông Nam Á về phục vụ thị trường nội địa.
Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang đứng trước thời điểm 2018 - thuế nhập xe trong khu vực về 0. Vài năm trở lại đây, nhiều hãng xe có mặt tại Việt Nam đã chọn cách nhập khẩu xe từ Đông Nam Á về phục vụ thị trường nội địa. Nổi bật nhật là lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan.

Như chúng ta đã biết, từ 1/1/2014, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ Đông Nam Á về Việt Nam xuống còn 50%, lộ trình từ nay đến 2018, mức thuế sẽ trở về con số 0%. Nhiều người cho rằng, mức giảm này không ảnh hưởng nhiều tới thị trường trong nước bởi hiện nay thị phần của xe nhập khẩu hiện chưa cao, đặc biệt là các mẫu xe nhập khẩu từ khu vực Asean. VAMA cũng chưa có một báo cáo riêng về lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khu vực.


Ford EcoSport sản xuất tại nhà máy Rayong đang được chào bán tại Việt Nam

Nhưng nhiều phương tiện truyền thông lấy số liệu từ Hải Quan chỉ ra rằng, lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam hiện chỉ đứng sau Hàn Quốc. Năm 2012, lượng xe nhập từ Thái Lan vào Việt Nam là 4.400 chiếc - bằng 37% lượng xe Hàn Quốc nhập vào Việt Nam, đạt 11.800 chiếc. Trong 11 tháng năm 2013, tổng số xe nhập từ Thái Lan và Indonesia về nước vào khoảng 8.826 xe, đạt giá trị kim ngạch gần 150 triệu USD.

Theo Vneconomy, tháng đầu năm nay, lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan chỉ ở mức 338 chiếc, đạt giá trị kim ngạch 4,7 triệu USD. Nhưng sang tháng 2, các con số lập tức tăng lên gấp đôi, lần lượt đạt mức 678 chiếc về lượng và 11,2 triệu USD về giá trị. Tháng 3, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ quốc gia láng giềng này tiếp tục “gấp thếp” khi thậm chí cao hơn cả tổng mức kim ngạch quý 1/2013 của cả Indonesia cộng vào, xét trên cả yếu tố lượng lẫn giá trị.

Với những người kì vọng giá xe giảm khi thuế nhập khẩu giảm còn 50%, họ cũng được một phen tẽn tò khi giá bán của mẫu xe nhập khẩu tại Thái Lan về Việt Nam giảm không đáng kể. Tiêu biểu như mẫu xe Ford Ranger vẫn có gía bán tương đương với thời điểm trước khi giảm thuế. Ngoài Ranger, những mẫu xe như Toyota Yaris, Toyota Hilux, Isuzu D-Max, Chevy Colorado…. được nhập khẩu từ Thái Lan gần như không thay đổi giá bán. Nếu có giảm giá thì đó lại thuộc các chương trình khuyến mãi, không phải giảm giá bán do thuế nhập khẩu giảm.


Trong nay mai, Toyota sẽ ra mắt Yaris 2014
nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan - tương tự như thế hệ trước.

Thực tế cho thấy, rất nhiều mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan đã gặt hái thành công tại thị trường Việt, như Ranger là ví dụ tiêu biểu nhất. Nối gót Ranger, sắp tới chiếc EcoSport cũng được Ford nhập khẩu về thị trường Việt Nam, Toyota cũng đặt rất nhiều kì vọng vào chiếc Yaris có xuất xứ từ xứ sở chùa vàng. Sắp tới, xu hướng nhập xe Thái Lan về thị trường Việt có lẽ sẽ còn bùng phát mạnh hơn.

Một mặt, các hãng xe tại Việt Nam vẫn đưa ra những cam kết về việc kinh doanh dài lâu tại thị trường, mặt khác họ vẫn đưa các sản phẩm nhập khẩu từ Asean vào Việt Nam. Đã có không ít quan ngại cho rằng khi thuế nhập khẩu còn 0%, các hãng xe thay vì sản xuất xe tại Việt Nam sẽ nhập khẩu toàn bộ sản phẩm của mình, ngành lắp ráp xe trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc. Tiêu biểu như việc các dây chuyền sản xuất xe bản tải của Việt Nam đã chào thua trước các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc.

Dễ hiểu lý do vì sao các hãng chọn cách nhập khẩu xe nguyên chiếc về kinh doanh tại Việt Nam. Các chính sách toàn cầu hoá hay khu vực hoá khiến cho một mẫu xe phục vụ được cả một khu vực, không cần những sản phẩm đặc thù riêng. Ví dụ như sự thành công của One-Ford tới rất nhiều thị trường trên thế giới trong đó có Asean. Đầu não của Ford nằm ở Thái Lan, nhà máy lớn nhất khu vực nằm ở tỉnh Rayong đang sản xuất không thiếu một mẫu xe nào nằm trong khu vực. Còn Toyota, họ có tới 4 nhà máy sản xuất xe tại Thái Lan. Chúng đủ sức cung cấp sản phẩm ra toàn bộ các nước lân cận.

Tin tức & Sự kiện khác